Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Nhật Bản là vào nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4, lúc hoa anh đào nở rộ và từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, là thời kỳ du khách có thể ngắm lá vàng lá đỏ tại đây. Ngoài ra, nếu bạn là người thích mua sắm có thể đến Nhật vào mùa giảm giá vào tháng 7 và tháng 8 hoặc vào dịp Tết.
THỜI GIAN LÝ TƯỞNG DU LỊCH NHẬT BẢN
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Nhật Bản là vào nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4, lúc hoa anh đào nở rộ và từ nửa cuối tháng 10 đến nửa đầu tháng 11, là thời kỳ du khách có thể ngắm lá vàng lá đỏ tại đây. Ngoài ra, nếu bạn là người thích mua sắm có thể đến Nhật vào mùa giảm giá vào tháng 7 và tháng 8 hoặc vào dịp Tết.
NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN NHẬT BẢN

- Núi Phú Sĩ: Được xem là biểu tượng của đất nước xứ xở hoa anh đào, núi Phú Sĩ nằm trong top những địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản thu hút đông đảo khách tới tham quan. Người dân Nhật Bản luôn tin rằng, ngọn núi này luôn che chở, bảo vệ và đem đến may mắn tốt lành cho đất nước.
- Hoàng cung Tokyo: Nơi đây từng là dinh thự của các tướng quân và sau đó là nơi ở của Nhật Hoàng. Năm 1868, khi chức tướng quân bị phế truất, Nhật Bản đã chuyển thủ đô từ Kyoto đến Tokyo và chiếm đóng vùng đất có Thành Edo. Sau khi khu quần thể này bị lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn, họ đã xây dựng một hoàng cung mới vào năm 1888.
- Quận Gion: Gion là quận nổi tiếng nhất của thành phố Kyoto về nghệ thuật Geisha. Quận Gion được bao phủ bởi các cửa hàng, nhà hàng, các quán trà nơi Geiko (tiếng địa phương của Geisha) và Maiko (người học việc để trở thành geisha) hoạt động. Xen kẽ giữa những nhà hàng là những ochaya (quán trà), là những nơi ăn tối độc quyền và đắt tiền nhất của Kyoto, nơi đây khách hàng được maiko và geiko phục vụ.
- Cụm di tích cố đô Kyoto: Cố đô Kyoto và khu vực lân cận bao phủ một vùng rộng lớn ngày nay bao gồm các thành phố Kyoto, Uji và Otsu. Các điểm đến trong cụm di tích cổ đô Kyoto là một phần không thể thiếu đối với bất kì hành trình du lịch Nhật Bản nào. Trong đó, nổi bật nhất là chùa Kiyomizu với kiến trúc bằng gỗ trên cao, chùa Kinkakuji được bao phủ bằng những chiếc lá bằng vàng nguyên chất, chùa Ryoanji với khu vườn đá phong cách thiền, và chùa Kozanji nằm sâu trong rừng với những quốc bảo quý nhất của Nhật.
DU LỊCH NHẬT BẢN MUA SẮM Ở ĐÂU

- Ginza: là khu mua sắm xa xỉ bậc nhất của Tokyo, đây là điểm đến dành cho những tín đồ mua sắm với hầu bao dày. Du khách có thể sắm cho mình đủ món đồ thượng hạng từ quần áo, mỹ phẩm tới các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
- Asakusa: là trung tâm của khu bình dân của thành Tokyo cổ (gọi là Edo). Đây là nơi ở của các nghệ nhân, thương nhân và geisha. Ngày nay, những con hẻm nhỏ lộng gió của Asakusa vẫn đầy những bất ngờ dành cho du khách với những cửa hàng bán sản phẩm truyền thống Nhật Bản như búp bê, trống Taiko và nhiều đồ lưu niệm thú vị khác.
- Shinjuku: là nơi du khách có thể tìm thấy những món đồ truyền thống thú vị như geta (guốc gỗ Nhật Bản) hay những chiếc túi từ vải kimono sang trọng,…
- Shibuya: là khu phố mua sắm dành riêng cho các trào lưu teen ở Nhật Bản. Tại đây, có cả cửa hàng băng đĩa nhạc với số lượng băng đĩa khổng lồ giá rẻ, nhiều loại trang phục, phụ kiện thời thượng của giới trẻ Nhật Bản.
- Odaiba: là thánh địa mua sắm nổi tiếng với đầy đủ các thương hiệu danh tiếng cũng như cửa hàng nhỏ, Odaiba là điểm đến rộng cửa chào đón tín đồ du lịch thích tiêu pha lẫn tiết kiệm.
NHỮNG MÓN ĂN NGON KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN NHẬT BẢN

- Ramen: Mỗi vùng của Nhật Bản lại có cách chế biến mì ramen khác nhau, với 4 kiểu chính là shoyu, shio, tonkotsu và miso. Sợi mì dai cùng nước dùng đậm đà rất hợp để ăn trong những ngày lạnh.
- Okonomiyaki: Món bánh xèo hấp dẫn này được làm từ nhiều nguyên liệu như thịt lợn, bạch tuộc, tôm, và thậm chí là phô mai.
- Unagi no kabayaki: Thịt lươn được tẩm sốt kabayaki ngọt sau đó đem nướng, tạo hương vị đậm đà, ám khói. Món này thường được ăn cùng cơm trắng.
- Sushi: Là món ăn trứ danh của Nhật Bản, một miếng sushi ngon dựa trên hai yếu tố chính: độ tươi của nguyên liệu và kỹ thuật của đầu bếp. Đến xứ hoa anh đào, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức đủ loại sushi với những mức giá khác nhau.
- Sanuki udon: Điều khiến món mì sanuki udon đặc biệt là vị dai và mềm mượt. Sợi mì trơn, dễ húp, vừa có độ chắc như mì Ý, vừa có sự mềm dẻo như bánh mochi. Mì được chan nước dùng dashi ngọt ngào, vừa miệng.
- Gyoza: Có hình dạng và cách chế biến tương tự như sủi cảo của Trung Quốc, món gyoza có phần nhân thường được làm từ thịt lợn, bắp cải và hẹ, áp chảo cho vàng một mặt và chấm với xì dầu pha dấm.
- Tempura: Các loại rau củ, hải sản được tẩm bột mì sau đó chiên giòn, thường chấm với xì dầu. Tempura được ăn kèm nhiều món, từ uống bia, rượu, tới khi ăn cơm, mì.
- Canh miso: Đây là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của người Nhật. Món canh này được làm từ nước dùng dashi nấu với tương miso và một số nguyên liệu khác như đậu phụ, rong biển, nấm.
- Mì soba: Đây là loại mì làm từ kiều mạch, rất phổ biến ở Nhật. Mì soba có thể được ăn nóng hoặc lạnh tùy mùa.
- Taiyaki: Bánh cá nướng là món ăn vặt được nhiều người yêu thích, với phần vỏ vàng giòn và phần nhân đậu azuki ngọt ngào. Ngoài ra, bạn còn có thể thưởng thức nhiều loại nhân khác như nhân kem, phô mai, trà xanh…
- Kem matcha: Vị đắng nhẹ của bột trà xanh matcha được cân bằng nhờ vị ngọt của sốt đậu đỏ. Đây là món tráng miệng lý tưởng trong những ngày hè nóng bức.
NHỮNG LỄ HỘI TẠI NHẬT BẢN

- Lễ hội Shogatsu: Trước kia, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt Nam và Trung Quốc, nhưng từ nhiều năm trở lại đây, người Nhật đón năm mới theo tết Dương lịch. Trong đêm giao thừa, người Nhật Bản ăn món mì trường thọ (toshikoshi soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là trường thọ, món ăn osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là ozoni (súp). Ngoài ra, họ cũng thường gửi thiệp chúc tết cho bạn bè, người thân và đồng nghiệp, đến các đền chùa để xin xăm, hái lộc cầu an.
- Lễ hội Hanami: Còn được gọi là lễ hội ngắm hoa anh đào, Lễ hội Hanami thường diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Đây là dịp để mọi người vui chơi, uống rượu, ca hát dưới những tán hoa anh đào tuyệt đẹp.
- Lễ hội băng tuyết tại Hokkaido: Đây là lễ hội tuyết nổi tiếng tại Nhật Bản với nhiều tuyệt tác điêu khắc bằng tuyết và băng khổng lồ.
- Ngoài ra còn rất nhiều những lễ hội khác chờ các bạn khám phá khi đến đây.
QUÀ LƯU NIỆM Ở NHẬT BẢN

Những món quà lưu niệm ngon, bổ, rẻ đặc trưng của Nhật Bản bạn nên mua là:
- Mèo Maneki Neko: Đứng đầu danh sách quà lưu niệm được săn lùng ở Nhật Bản là chú mèo Maneki Neko, được cho là biểu tượng mang đến tài lộc cho chủ, chú mèo này là món quà lưu niệm luôn được mọi người yêu thích.
- Các món ăn vặt vị Matcha (trà xanh): Vị trà xanh Matcha gần như đã trở thành một hương vị đặc trưng cho Nhật Bản, nhiều du khách đến đây thường tìm các loại đồ ăn làm từ bột Matcha, vị trà xanh như bánh Mochi, Nama Chocolate, bánh Kitkat. Thậm chí, một gói bột trà xanh đơn giản cũng đủ làm quà lưu niệm độc đáo.
- Bánh Mochi: Bánh Mochi Nhật là một loại bánh truyền thống được làm từ bột gạo, không thể thiếu trong các dịp lễ tết của người Nhật. Đây là loại bánh gạo nổi tiếng mà bất cứ ai yêu thích đất nước mặt trời mọc đều biết đến và yêu thích. Lưu ý, bánh này không để lâu được nên bạn nên mua vào ngày cuối cùng của chuyến đi.
- Guốc gỗ Geta, dép Zori: Bên cạnh những chiếc áo Kimono, đôi guốc gỗ Geta là nét đẹp văn hóa không thể thiếu của xứ sở mặt trời mọc. Chính vì vậy, khá nhiều du khách chọn mua Geta để làm quà. Tuy nhiên, nếu thấy đôi Geta gỗ quá khó đi, bạn có thể mua Zori, một loại xăng đan đi lại dễ dàng và thoải mái hơn rất nhiều.
- Các poster, logo, đồ chơi anime, manga: Với các bạn trẻ, văn hóa manga, anime của Nhật Bản không phải là điều xa lạ. Nếu bạn có ý định tìm mua món quà cho bạn bè có đam mê này, chỉ cần đến Akihabara, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy vô vàn những món đồ mình thích.
- Tiền xu: Nếu bạn đã lỡ tiêu xài quá đà trong chuyến đi và không còn đủ tiền để mua quà lưu niệm cho bạn bè, có một biện pháp đơn giản là giữ lại các đồng tiền xu để làm quà, đặc biệt là xu 5 yên bởi theo tiếng Nhật, phát âm của nó là “gô – en”, trùng âm với một Hán tự có ý nghĩa “kết duyên”. Chính bởi vậy, đồng tiền này được coi là xu may mắn.
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐẾN NHẬT BẢN
- Tiền tip Khác với các nước phương Tây, văn hóa tiền tip gần như không tồn tại ở Nhật Bản. Những nhân viên dịch vụ như phục vụ bàn, nhân viên khách sạn hay lái xe taxi không bao giờ đòi hay nhận tiền tip từ khách hàng. Theo quan niệm của người Nhật, việc đưa tiền tip là một hành động thực sự khiếm nhã và không tôn trọng họ nên thậm chí, nhiều nhân viên đã đuổi theo du khách để trả lại tiền tip nếu khách để lại.
- Cởi giày dép trước khi vào nhà người khác Trước khi bước vào bất cứ ngôi nhà nào ở Nhật Bản, bạn phải cởi bỏ giày dép để ở ngoài cửa. Hầu hết các nhà ở Nhật Bản đều có một khoảng trống trước cửa gọi là genkan. Genkan là nơi ra vào và cũng là nơi để giày dép cho khách. Do đó trước khi vào nhà người Nhật hãy dành ra mấy giây ở genkan để cởi giày và xếp nó ngay ngắn (mũi giày hướng ra phía cửa).
- Văn hóa trả tiền ăn uống Văn hóa mời ở Nhật cũng giống như ở Sài Gòn, mời đi ăn là đi ăn chung nhưng mỗi người sẽ tự trả tiền riêng phần của mình. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chăm chăm chia tiền là tốt, nếu người mời bạn muốn trả toàn bộ chi phí cho bữa ăn thì bạn cũng không nên từ chối, điều bạn cần làm là cảm ơn họ bằng câu “Go-chiso sama deshita” (Cám ơn vì đã chiêu đãi).
- Văn hóa nhà tắm Đến Nhật Bản, du khách dễ dàng tìm thấy các nhà tắm công cộng hay onsen (suối nước nóng), tuy nhiên bạn nên lưu ý rằng hãy làm sạch sẽ cơ thể trước khi bước vào các phòng tắm công cộng ở Nhật.
- Văn hóa bàn ăn Trước khi dùng bữa, đặt 2 tay trước ngực, đầu hơi cúi và nói “itadakimasu” nghĩa là “mời mọi người” và sau khi dùng bữa sau hãy nói câu “gochisosamadeshita”. Đây là những từ ngữ để thể hiện lòng biết ơn với người đã tạo ra bữa ăn ngon cho bạn.
- Không nên nghịch ngợm với đũa Đối với người Nhật, đôi đũa là một phần văn hóa ẩm thực của họ và hầu như tất cả các món ăn của người Nhật đều phải dùng đũa. Vì thế đến Nhật, bạn không nên sử dụng đũa vào mục đích khác ngoài việc ăn cơm hay nghịch ngợm chúng bởi đây là một hành động khiếm nhã và bất lịch sự.
- Không ăn uống trên đường phố Trong văn hóa phương Tây, vừa đi vừa ăn được xem là một hành động bình thường nhưng người Nhật lại cho rằng đây là một hành động rất bất lịch sự. Các hoạt động ăn uống ngoài trời chỉ áp dụng cho các lễ hội văn hóa và âm nhạc, vì thế khi đến Nhật bạn không nên vừa đi vừa ăn trên đường phố, trên tàu hoặc ở những nơi công cộng.
- Xả rác Ở các nước khác, người dân có thể làm ngơ trước những chiếc túi rác vương vãi đầy trên đường phố tuy nhiên ở Nhật, họ không hề chấp nhận điều này. Đặc biệt đến Nhật bạn sẽ thấy trên đường phố, trong công viên, đến các di tích văn hóa, lịch sử hầu như không có nhiều thùng rác, vì thế nếu muốn vứt rác mà không tìm được thùng rác thì bạn hãy kiên nhẫn giữ rác trên tay cho đến khi tìm được thùng rác.
- Ôm người khác Bạn đang là du khách và muốn cố gắng trở nên thân thiện trong mắt người dân bản địa điều đó là tất nhiên nhưng hãy lưu ý rằng người Nhật rất khó chịu khi bị người khác ôm cho dù là người quen hay người lạ. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên cúi chào hay bắt tay khi gặp người Nhật thay vì trao cho họ một cái ôm thân thiết.
- Đeo khẩu trang y tế Đến Nhật Bản bạn dễ dàng bắt gặp người dân dù là nam hay nữ, từ già đến trẻ đều đeo khẩu trang. Không chỉ bảo vệ sức khỏe, người dân Nhật đeo khẩu trang còn để ngăn chặn nhiễm bệnh cho người khác hoặc đôi khi các bạn trẻ xem việc đeo khẩu trang như một phụ kiện thời trang.
- Nói chuyện trên điện thoại trên tàu Khi sử dụng các phương tiện công cộng như tàu hỏa hay tàu điện ngầm thì tốt nhất bạn nên chuyển điện thoại sang chế độ im lặng và tốt nhất là không nhận điện thoại của người khác. Vì hầu hết người Nhật có xu hướng không nói chuyện điện thoại khi đang đi trên các phương tiện giao thông công cộng, để tránh làm phiền hành khách đi cùng.
- Có thể mua mọi thứ với thẻ tín dụng Dù các phương thức thanh toán khác đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi hơn tại Nhật Bản nhưng tốt nhất bạn vẫn nên mang theo tiền mặt. Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán được ưa thích khi bạn trả phí vào cửa tại các điểm tham quan du lịch, các nhà hàng nhỏ hay các cửa hàng nhỏ.
Tổng hợp