Kimono được biết đến là trang phục truyền thống Nhật Bản với 12 lớp áo cùng sự kết hợp hài hòa của nhiều màu sắc. Tuy nhiên khi mặc kimono không nhất thiết phải mặc đủ 12 lớp áo này.
Kimono mà người Nhật mặc hiện nay được bắt đầu từ thời Heian.
Kimono của nữ gồm 8 mảnh và của nam gồm 5 mảnh. Những mảnh này được may thủ công lại với nhau trên đường thẳng để tạo ra hình dáng cơ bản cho kimono. Với cách may này, kimono có thể thay thế, sửa chữa dễ dàng phù hợp theo dáng cơ thể mỗi người.
Kimono dành cho nam giới thường không có hoa văn, màu tối và có in gia huy của dòng họ. Màu sắc truyền thống là màu đen. Nam giới Nhật thường mặc kimono chủ yếu trong lễ cưới và các buổi lễ trà đạo.
Kimono dành cho nữ thường chỉ có một cỡ duy nhất, người mặc cần phải bó y phục lại cho phù hợp với thân người. Kimono có nhiều loại tùy theo đối tượng, mục đích và không gian mặc:
Yukata: là loại Kimono mặc vào mùa hè, chất liệu bằng vải cotton với tay áo ngắn. Áo Yakuta thường mang màu sáng, cách thiết kế đơn giản để các cô gái Nhật có thể mặc mà không cần sự giúp đỡ. Yakuta được mặc ở nhà say khi vừa tắm xong, cũng như thường được mặc trong các quán trọ truyền thống Nhật Bản. Chỉ có Yukata được may bằng vải cotton, các loại Kimono khác đều được may bằng vải lụa.
Furisode: dành cho thiếu nữ còn độc thân. Ống tay áo rộng và dài, màu sắc tươi tắn với nhiều hoa văn trang trí trên vải lụa tốt, thường được dệt thủ công. Loại Kimono này thường được mặc vào dịp lễ thành nhân.
Tomesode: là loại trang phục trang trọng dành cho phụ nữ đã có gia đình. Ống tay áo ngắn, màu chủ đạo ở thân áo là màu đen, phần vạt áo bên dưới có một số hoa văn đơn giản với màu sắc trang nhã. Đây là loại áo Kimono chỉ mặc vào các dịp lễ trang trọng (như là đám cưới hoặc đám tang của họ hàng).
Houmongi: dành cho mọi đối tượng phụ nữ, nhưng thông dụng nhất là phụ nữ đã có gia đình. Áo có màu sắc trang nhã, họa tiết trang trí có trên khắp mặt vải nhưng mật độ hoa văn không bằng Furisode. Loại Kimono này thường được mặc trong tiệc trà họp mặt người thân hoặc các cuộc viếng theo nghi thức.
Tsukesage: thường có hoa văn chạy dọc theo thân và lưng áo, đắp ở đỉnh vai, họa tiết trên áo sáng và nổi rõ. Áo này được mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè.
Komon: được trang trí toàn bộ bởi các họa tiết nhỏ, nhẹ nhàng, có thể mặc vào ngày thường.
Tsumugi: được trang trí bới các họa tiết sáng và rõ ràng hơn Komon, và cũng mặc trong những dịp bình thường.
Kuro mofuku: dùng mặc khi tham dự tang lễ. Giá thành loại trang phục này rất đắt vì phải đảm bảo màu đen không pha lẫn vào màu khác.
Shiromaku: là trang phục Kimono dành riêng cho cô dâu và chú rể trong ngày cưới. Ở đây, "shiro" nghĩa là "màu trắng", còn "maku" nghĩa là "sự tinh khiết". Đây là loại Kimono được dùng trong đám cưới truyền thống của Nhật Bản, chúng dành cho các cô dâu nên được xem là loại Kimono tráng lệ nhất. Đặc điểm của Shiromaku rất dài, với phần đuôi áo dài đến chạm đất và tỏa tròn ra. Bộ lễ phục này thường đi kèm băng vải trắng trên đầu có tên là Tsunokakushi. Tuy nhiên, ngày nay các cô dâu thường chọn trang phục màu đỏ hoặc màu đen thay cho màu trắng truyền thống.
Ngày nay, kimono chỉ được mặc trong các dịp lễ lớn như lễ kết hôn, lễ thành nhân, mừng năm mới, các lễ hội, đám tang,...
Khách đến tham dự lễ kết hôn mặc kimono phải tuân theo một số quy tắc sau:
- Mẹ và họ hàng, người thân cô dâu sẽ mặc Tomesode đen có thêu phù hiệu gia tộc.
- Khách sẽ mặc Houmongi, Furisode và Iro-tomesode có 3 họa tiết.
- Với Houmongi thì khách nữ dù có gia đình hay chưa đều có thể mặc được. Tuy nhiên, khách nữ còn độc thân nên mặc Iro-tomesode hoặc Furisode. Tránh mặc những kimono có màu đen vì dễ gây nhầm lẫn với gia đình cô dâu.
Cách thức mặc Kimono khá phức tạp và có những nguyên tắc riêng. Kimono phải quấn từ bên phải vào trước rồi mới đến bên trái; và chỉ quấn ngược lại khi đi dự tang lễ.
Bên cạnh đó, Kimono thường được mặc cùng các phụ kiện đi kèm như: thắt lưng Obi, tất Tabi màu trắng, guốc gỗ, ...
- Thắt lưng Obi: Một cái obi dành cho kimono nữ thường có chiều dài khoảng 4m và chiều rộng khoảng 60cm. Obi được quấn 2 vòng quanh thắt lưng và thắt ở phía sau lưng. Các phụ kiện kèm theo obi:
- Koshi-himo: là vòng dây đầu tiên quấn quanh thắt lưng. Nó được làm từ những sợi tơ nhuộm màu rồi bện lại như dây thừng.
- Date-jime: là sợi dây thứ hai buộc quanh áo kimono, phủ lên trên sợi dây Koshihimo.
- Obijime: là sợi dây thừng buộc phía trên bề mặt của obi, nó có nhiều màu sắc khác nhau và màu được chọn thường làm nổi bật chiếc obi.
- Chocho: là chiếc nơ bướm được gắn ở đằng sau obi, nhìn thì nó có cấu tạo phức tạp nhưng thực chất rất dễ mang. Chocho gồm hai phần bản rộng và phần nơ. Phần bản rộng có chiều dài 1.5m, chiều rộng là 15cm, nó được quấn hai vòng quanh thắt lưng rồi được nhét vào phía trong. Phần nơ có một cái móc gắn để gắn vào vào obi.
Kaku và Heko bi dành cho kimono của nam. Kaku là obi dành cho các bộ kimono nam thông thường, được may bằng vải cotton, có chiều dài là 9cm. Heko là obi mềm được dành cho các bộ yutaka.
Trâm cài đầu: dành riêng cho phụ nữ. Thời xưa, mỗi khi mặc áo kimono, phụ nữ Nhật thường điểm tô cho mái tóc của mình bằng những chiếc trâm này. Ngày nay, trâm cài đầu có thể được thay thế bằng chiếc trâm bằng nơ, dây buộc tóc …
Guốc gỗ: được sử dụng rất phổ biến tại Nhật cách đây một thế kỉ, guốc của đàn ông thường to, có góc cạnh và thấp, guốc của phụ nữ thì ngược lại, tức là nhỏ nhắn và tròn.
Tổng hợp